Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ Kom Tum có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ; triển khai hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học và công nghệ; thực hiện các hoạt động dịch vụ công, dịch vụ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật. Trung tâm Kom Tum có 23 viên chức, hoạt động theo cơ chế tự chủ một phần, gồm có 1 trụ sở làm việc và 1 khu thực nghiệm nuôi cấy mô và nấm vi sinh. Trung tâm sở hữu phòng phân tích sinh học phân tử từ nguồn kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực sinh học của dự án bảo vệ nguồn gen sâm Ngọc Linh. Đón tiếp và làm việc cùng đoàn công tác của Trung tâm Long An có ông Chu Đình Liệu – Giám đốc Trung tâm Kom Tum, trưởng phòng Hành chính tài vụ và các viên chức của Trung tâm Kom Tum. Hai bên đã cùng trao đổi những khó khăn, vướng mắt trong việc triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, cách thức quản lý vận hành của trung tâm và định hướng hoạt động trong thời gian tới.
Làm việc cùng Trung tâm Kom Tum
Tham quan phòng sinh học phân tử của Trung tâm Nghiên cứu, ứng dụng và dịch vụ khoa học công nghệ tỉnh Kom Tum
Đoàn công tác của Trung tâm Ứng dụng, kỹ thuật, thông tin khoa học và công nghệ Long An chụp ảnh lưu niệm
Đoàn công tác của Trung tâm Long An cũng đã làm việc cùng Hợp tác xã Toong Xăng Xanh và tham quan khu vực trồng sâm trên núi Ngọc Linh của hợp tác xã. Hợp tác xã Toong Xăng Xanh hoạt động theo kiểu mới, ban đầu do 17 thanh niên thôn Ba Khen, xã Văn Xuôi góp vốn và cùng nhau làm chủ với sự hỗ trợ của anh Nguyễn Đức Trung trong vai trò Giám đốc Hợp tác xã. Hợp tác xã định hướng xây dựng một tổ hợp du lịch gồm khu nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng gắn với tìm hiểu giá trị văn hóa truyền thống của người Xê Đăng và làm một nông trại hữu cơ cung ứng sản phẩm cho du khách, qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, đánh thức nguồn lực, tiềm năng của huyện. Một trong những sản phẩm hữu cơ của Hợp tác xã là sâm Ngọc Linh và Hồng đẳng sâm Ngọc Linh, đây là những sản phẩm đặc trưng của vùng núi Ngọc Linh huyện Tu Mơ Rong, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý số 00049 cho chỉ dẫn địa lý "Ngọc Linh" dùng cho sản phẩm sâm củ của hai tỉnh Kon Tum và Quảng Nam. Nhân dịp buổi làm việc với Hợp tác xã Toong Xăng Xanh, Trung tâm Long An cũng đã giới thiệu sàn giao dịch công nghệ trực tuyến của tỉnh với tên miền http://techport.longan.vn cùng những thiết bị, công nghệ đã được trình diễn tại các hội thảo kết nối cung cầu công nghệ do Trung tâm tổ chức. Qua trao đổi, Trung tâm Long An đã nắm bắt được nhu cầu công nghệ của Hợp tác xã và sẽ hỗ trợ trong thời gian sớm nhất.
Thăm mô hình trồng sâm Ngọc Linh trên núi Ngọc Linh thuộc huyện Tu Mơ Rong tỉnh Kom Tum
Thu hoạch Hồng đẳng sâm
Ngọc Hiếu - TTUDKTTTKHCN