Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chính phủ xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa đất nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại.
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trên nền tảng phổ biến, triển khai các chính sách thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sáng nay, ngày 03/12/2024, tại tỉnh Long An, đã diễn ra Hội thảo khoa học “Giải pháp, chính sách thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ” do Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh Long An phối hợp với Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ – Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức.
Đây là hoạt động hướng đến hỗ trợ có hiệu quả cho các doanh nghiệp tiềm năng, đủ điều kiện để trở thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình trên cơ sở được hưởng các chính sách ưu đãi của Nhà nước dành cho loại hình doanh nghiệp khoa học và công nghệ theo quy định.
Tính đến năm 2024, Việt Nam có khoảng 850 doanh nghiệp được cấp chứng nhận doanh nghiệp KH&CN nhưng con số này còn thấp so với tiềm năng và số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Phân bổ chủ yếu vẫn nằm ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, Bắc Ninh và một số tỉnh có các khu công nghiệp tập trung. Những doanh nghiệp KH&CN có quy mô nhỏ và vừa thường năng lực tài chính và công nghệ còn hạn chế so với các quốc gia phát triển.
Ông Võ Bửu Viết Cường - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An phát biểu khai mạc hội thảo
Theo ông Võ Bửu Viết Cường - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An cho biết, chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030 của Chính phủ đã xác định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa nước ta trở thành nước công nghiệp hiện đại. Để thực hiện được chủ trương, chính sách trên đòi hỏi phải coi trọng công tác hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.
“Thời gian qua, khoa học và công nghệ luôn được xác định có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An. Do vậy, nhiều nội dung liên quan đến hoạt động kết nối khoa học và công nghệ với khu vực doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ đã được triển khai thực hiện.” - ông Võ Bửu Viết Cường chia sẻ.
Đại biểu tham dự hội thảo
Quang cảnh hội thảo
Ông cũng nói thêm, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 21 doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, có 01 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp công nghệ cao, 01 doanh nghiệp được công nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 04 doanh nghiệp có thành lập, khai thác, sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp. Trong khi đó, tính đến tháng 11/2024, toàn tỉnh có hơn 18.000 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đăng ký khoảng 390.000 tỷ đồng; có 1.366 dự án FDI với vốn đăng ký xấp xỉ 12,6 tỷ USD. Doanh nghiệp hoạt động sản xuất chiếm 32%, kinh doanh chiếm 36%, xây dựng chiếm 17% và 15% còn lại là các lĩnh vực hoạt động khác. Với thực tiễn thu hút đầu tư đa dạng, phong phú nêu trên, số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ còn quá ít, chưa tương xứng với tiềm năng, dư địa để phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Long An cả về số lượng lẫn chất lượng còn rất lớn.
ThS. Trương Như Ý, Sở KH&CN Long An
Theo báo cáo từ ThS. Trương Như Ý, Sở KH&CN Long An thì các doanh nghiệp KH&CN tại Long An vẫn đang gặp nhiều khó khăn và thách thức từ việc hạn chế về vốn đầu tư, không huy động được vốn đầu tư lớn dù đã có các chính sách hỗ trợ, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao dù có nhiều tiềm năng phát triển KH&CN.
Tuy gần đây sự phát triển của doanh nghiệp KH&CN đã có những bước tiến rõ rệt, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo, blockchain và công nghệ sinh học nhưng phần lớn các doanh nghiệp này còn nhỏ về quy mô, khả năng tài chính hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc triển khai các dự án nghiên cứu và phát triển (R&D) quy mô lớn…
TS. Đào Quang Thủy, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN trình bày tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo cũng đã xoay quanh các vấn đề về đẩy mạnh ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ ngoài ngân sách nhà nước từ doanh nghiệp để phục vụ cho việc thành lập doanh nghiệp KH&CN và thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ; Giải pháp chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ Viện, trường để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ và thương mại hóa sản phẩm, dịch vụ; Những vấn đề chung về các quy định, nội dung chi, quản lý, sử dụng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp.
Chia sẻ tại hội thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Khuôn Chính xác Minh Đạt (MIDA)- Trần Quốc Vũ chia sẻ, việc phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở Việt Nam nói chung và trong cộng đồng DN đã có những bước phát triển vượt bậc. Các cơ chế, chính sách khuyến khích và hỗ DN đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ đã có những tác động tích cực giúp các DN nâng cao năng suất, chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Việc MIDA được cấp Giấy công nhận DN ứng dụng công nghệ cao đã giúp công ty chứng minh về năng lực sản xuất với đối tác nước ngoài. Đầu tiên, công ty chỉ có một vài DN là đối tác nước ngoài nhưng càng về sau công ty có nhiều đối tác hơn, DN có tầm cỡ hơn.
Đặc biệt hơn, khi được công nhận Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã giúp công ty được ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định (cụ thể, được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo). Số tiền giảm thuế này mỗi năm tính ra không nhỏ, công ty có thể dùng để tái đầu tư sản xuất.
Giám đốc Cty MIDA- Trần Quốc Vũ
Công ty Cổ phần Cơ khí Chế tạo máy Long An (LAMICO) được công nhận là DN KH&CN. Theo Giám đốc kỹ thuật công ty - La Thanh Hải, sau thời gian dài nghiên cứu, ứng dụng công nghệ, LAMICO đã có đầy đủ các thiết bị lắp đặt hoàn chỉnh nhà máy đồng bộ từ lúa tươi nguyên liệu ra gạo trắng thành phẩm. Đặc biệt, Sở KH&CN đã hỗ trợ DN rất nhiều trong việc đăng ký các Giấy chứng nhận DN KH&CN, cũng như giải thưởng chất lượng quốc gia. Qua đó, sản phẩm của LAMICO có những lợi thế cạnh tranh tương đương với các nước trên thế giới. Để đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, LAMICO đã triển khai nhiều giải pháp để cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm hiện có, cho ra thị trường nhiều sản phẩm mới năng suất cao, hoạt động ổn định.
Giám đốc kỹ thuật công ty - La Thanh Hải
Từ buổi hội thảo, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An Võ Bửu Viết Cường cũng đã bày tỏ và kỳ vọng: “Chúng tôi tin tưởng và kỳ vọng các doanh nghiệp sẽ quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động khoa học và công nghệ, tạo bước đệm hỗ trợ doanh nghiệp hình thành nguồn tài chính đầu tư cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng các kết quả khoa học và công nghệ, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh; ngày càng có nhiều doanh nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập trên địa bàn tỉnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, của đất nước.”
Trao Chứng nhận HALAL cho 02 doanh nghiệp tỉnh Long An
Trong khuôn khổ hội thảo, Sở Khoa học và Công nghệ Long An phối hợp với các đơn vị có liên quan trao Chứng nhận HALAL (Giấy chứng nhận phù hợp tiêu chuẩn "Thực phẩm Hồi giáo HALAL") cho 02 doanh nghiệp là Công ty Lương thực Long An và Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Chanh Việt. Đây là các doanh nghiệp tiêu biểu đầu tiên của tỉnh Long An được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Long An hỗ trợ tư vấn xây dựng, áp dụng và đạt Chứng nhận HALAL trong khuôn khổ các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thuộc Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa trên địa bàn tỉnh.
Các đại biểu chụp hình lưu niệm